Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm rủi ro thiên tai: Bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Kim Nhuệ| 24/10/2020 06:21

(HNM) - Thiên tai đã và đang xảy ra tại các tỉnh, thành phố miền Trung gây tổn thất lớn về người và tài sản. Ngoài yếu tố dị thường của thời tiết, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu chống đỡ các đợt thiên tai lớn, tổn thất còn do một phần nhận thức, kỹ năng phòng, tránh của người dân chưa cao... Tình trạng này cũng xuất hiện ngay tại Hà Nội đòi hỏi cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho người dân.

Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội diễn tập kỹ năng hộ đê tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Ảnh: Kim Văn

Người dân chưa nhận thức đầy đủ hiểm họa

Theo dõi thông tin thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh, thành phố miền Trung qua báo chí, ông Nguyễn Văn Toán, xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) mới hiểu vì sao chính quyền địa phương yêu cầu gia đình không ở lại lán trại chăn nuôi dưới chân núi trong những ngày xảy ra mưa, bão. “Khi bị cán bộ xã yêu cầu, tôi còn phản ứng gay gắt. May vụ sạt lở núi năm 2019, vợ chồng tôi về làng ăn giỗ, nếu không hậu quả khó lường”, ông Nguyễn Văn Toán kể lại.

Còn ông Đoàn Thiên Lý, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) cho hay: “Lần cấp tập mở 7 cửa xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình năm 2017, nếu cán bộ xã không quyết liệt yêu cầu tôi neo đậu thuyền vào bờ thì giờ này gia đình tôi đã không còn chiếc thuyền để kiếm sống hằng ngày...”.

Trao đổi với phóng viên về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, được sự quan tâm của thành phố, đến nay, các tuyến đê đi qua địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ theo tần suất thiết kế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của địa phương là một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ hiểm họa, thậm chí phớt lờ khuyến cáo của các cấp chính quyền trong phòng ngừa, ứng phó với lũ lụt.

Liên quan vấn đề trên, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho hay, không riêng các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức mà một số người dân ở các quận, huyện khác trên địa bàn cũng rất chủ quan khi “cố thủ” trong các ngôi nhà hư hỏng, xuống cấp xây dựng ở sát mép sông, hồ; ngang nhiên xâm hại hệ thống đê điều, công trình thủy lợi... Đáng nói, không chỉ người dân mà một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở cũng chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về thiên tai.

Dẫn chứng là hệ thống đê điều, công trình thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống, giảm rủi ro thiên tai nhưng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Tính từ ngày 1-1-2011 đến 30-9-2020, các quận, huyện, thị xã đã để xảy ra 2.191 vụ xâm hại công trình đê điều, 11.487 vụ xâm hại công trình thủy lợi. Nhưng đến thời điểm này, các địa phương mới xử lý, giải tỏa 678 vụ vi phạm pháp luật đê điều và 2.656 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi...

Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống thiên tai cho cán bộ và nhân dân tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). 

Thay đổi nhận thức để hành động đúng

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, hơn 2 tuần liên tiếp xảy ra mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố ở miền Trung đã làm 138 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Về tình hình thiên tai những năm gần đây, rất hiếm khi thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bị bão lớn và cũng không nhiều người tin huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) lại bị ngập lụt... Điều đó cho thấy do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai không “bỏ qua” địa phương nào. Nếu chúng ta càng chủ quan thì mức độ thiệt hại càng lớn...

“Vì vậy, các cấp chính quyền và người dân tuyệt đối không nên chủ quan, phải thay đổi nhận thức để hành động đúng. Nói cách khác, các địa phương phải thay đổi tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; trong đó, cần coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho người dân kỹ năng phòng, tránh các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn...”, ông Trần Quang Hoài đề nghị.

Đồng tình với đánh giá trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, do Hà Nội trong nhiều năm chưa xảy ra các trận thiên tai lớn nên cán bộ một số xã, phường, thị trấn và người dân nảy sinh tâm lý chủ quan. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội đang tích cực phối hợp với quận, huyện, thị xã tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng và bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, tổ chức diễn tập với sự tham gia của các lực lượng liên quan.

Tham gia lớp tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống thiên tai do Chi cục Phòng, chống thiên tai tổ chức ngày 13-10, Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) Chử Mạnh Thắng chia sẻ: “Qua buổi tập huấn, cán bộ địa phương được thông tin hệ thống hơn, hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, các công việc cần phải làm trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai. Sau hội nghị này, xã chỉ đạo cán bộ đánh giá các rủi ro thiên tai trên địa bàn để bổ sung phương án phòng ngừa, ứng phó...”.

Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho hay: “Tham gia buổi diễn tập hộ đê do Chi cục Phòng, chống thiên tai tổ chức ngày 16-10 trên địa bàn xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), lực lượng xung kích các xã ven đê tả sông Hồng đã được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung giải tỏa, xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm rủi ro thiên tai: Bắt đầu từ thay đổi nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.