Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Dân vận khéo'' tạo đồng thuận cao

Hương Ly| 05/02/2023 06:21

(HNM) - Năm 2022, hệ thống dân vận thành phố Hà Nội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, nhất là trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần quan trọng giúp các địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bám sát những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố năm 2023, hệ thống dân vận sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đóng góp xứng đáng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Lập sơ đồ mặt bằng, lấy ý kiến người dân phục vụ công tác triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Toàn Tâm

Tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành, trong năm 2022, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở triển khai công tác dân vận theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục. 

Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt. Công tác dân vận chính quyền đạt nhiều kết quả quan trọng. Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ thành phố Hà Nội đã ban hành và triển khai kế hoạch kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại 18 địa phương, đơn vị; chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với 9.608 mô hình được đăng ký triển khai thực hiện. Các mô hình “Dân vận khéo” ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm, tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, năm 2022, việc triển khai Quy chế dân chủ trên địa bàn quận đã đạt được những kết quả nổi bật. Quận đã chỉ đạo thực hiện 7 thủ tục hành chính không chờ tại các phường; giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn, trước hạn, với sự hài lòng của người dân đạt trên 90%. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong công tác thu thuế cũng đã góp phần quan trọng giúp tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đạt hơn 12.500 tỷ đồng, đạt 111,1% dự toán…

Đánh giá về việc triển khai Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng của quận Long Biên, bà Chu Thị Luyến (phường Long Biên, quận Long Biên) cho rằng, thông qua đối thoại, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, nhiều băn khoăn, thắc mắc đã được giải quyết thỏa đáng, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao. Nhờ vậy, các dự án đã được triển khai đúng tiến độ, góp phần đưa quận Long Biên ngày càng đổi mới, khang trang.

Đưa tiếng nói của người dân đến với các cấp ủy

Về nhiệm vụ công tác năm 2023 của Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, mang tiếng nói của nhân dân đóng góp vào các nội dung trình Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy, Ban Chấp hành đảng bộ các cấp, khẳng định hơn nữa vị thế, vai trò của hệ thống dân vận thành phố. Qua đó, đẩy mạnh công tác dân vận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và thành phố. Trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nhiệm vụ quan trọng như: Giải phóng mặt bằng, triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, các dự án trọng điểm của thành phố, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện cơ chế tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập... Các mô hình “Dân vận khéo” cần được xây dựng gắn với đời sống của người dân, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được thành phố giao. 

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh thông tin, năm 2023, các cấp Hội phụ nữ sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội, củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận trong phụ nữ và nhân dân; góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. 

Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định nêu rõ, trong năm 2023, Ban Thường vụ Quận ủy tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức tiếp xúc, đối thoại định kỳ, đối thoại chuyên đề nhằm giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại của công dân ngay tại cơ sở. Cùng với việc tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình mới, quận Hoàn Kiếm cũng sẽ phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, nâng cao hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội... 

Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, trong năm 2023 Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách sâu rộng. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Dân vận khéo'' tạo đồng thuận cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.