Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thay đổi tư duy, hành động, khó có thể tạo đột phá, kích hoạt kinh tế phát triển

Hà Phong| 02/07/2020 18:40

(HNMO) - Tiếp tục hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, chiều nay, 2-7, các bộ, ngành và địa phương thảo luận, thống nhất một số nội dung quan trọng. Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không thay đổi về tư duy kinh tế, hành động thì không thể có đột phá...

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh: Quảng Bình, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Bình Dương… đã đề xuất giải pháp cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động như, duy trì họp tổ công tác đầu tư hằng tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất, mở rộng thị trường để bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thông tin, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Điển hình là đã thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5%/năm, giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5%/năm); cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng.

Đồng chí Lê Minh Hưng thông tin, thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục nỗ lực để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa để đạt mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nâng sức khỏe của doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung, như Trung Quốc và Ấn Độ…

Quyết không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch Covid-19

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, tăng tốc phát triển kinh tế.

Nhắc lại "mục tiêu kép", không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới, tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành cần phải tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương phát huy hơn nữa. “Không để dịch Covid-19 quay lại nước ta, nhưng đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay. “Cứ quyền anh, quyền tôi, cứ gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ thành công. Bên cạnh đó, không giảm các chỉ tiêu xuất nhập khẩu; khơi thông các điểm nghẽn, phát triển các mô hình kinh tế mới, tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các hiệp định thương mại tự do và đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư FDI”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và IV, phấn đấu tăng trưởng 3 đến 4%; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và từng vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp đáp ứng các yêu cầu phát triển mới. Đồng thời, tập trung nghiên cứu ngay những đề xuất của địa phương về thể chế, nhất là tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng.

“Có gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD số vốn cần giải ngân trong năm nay. Nếu giải ngân tốt thì đây sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021”, người đứng đầu Chính phủ cho hay.

Với ngành Nông nghiệp, phải bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, không để phụ thuộc vào một thị trường. Ngành Du lịch chủ động cơ cấu lại thị trường khách du lịch, giảm giá dịch vụ nhưng không giảm chất lượng; thúc đẩy du lịch nội địa phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa linh hoạt hơn, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát giá, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người dân, “bơm” thêm tiền cho an sinh xã hội, không để người dân sống trong cảnh khó khăn. Đồng thời, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; miễn giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến nông nghiệp, giao thông để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

“Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế, hành động và hành động hơn nữa thì không thể có đột phá, kích hoạt kinh tế phát triển”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thay đổi tư duy, hành động, khó có thể tạo đột phá, kích hoạt kinh tế phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.