Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn biểu hiện “có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan”

Thượng tá, ThS Đỗ Mạnh Cường| 04/03/2019 06:28

(HNM) - Một trong những biểu hiện

1. Thực chất của tư tưởng dân tộc hẹp hòi là tư tưởng khép kín, biệt lập, bảo thủ, bài ngoại, ngờ vực dân tộc khác, nhấn mạnh đặc điểm riêng biệt của dân tộc, không thấy rõ lợi ích của quốc gia và tương lai của đất nước mình. Còn tư tưởng tôn giáo cực đoan là tuyệt đối hóa tính biệt lập, đặc thù của mỗi tôn giáo, đề cao tôn giáo mình, phủ nhận hoặc xem thường với thái độ miệt thị các tôn giáo khác và những người không theo tôn giáo; chỉ thấy quyền lợi của tôn giáo mình, chà đạp lên quyền lợi của tôn giáo khác và nuôi dưỡng ngày càng sâu mối hận thù với các dân tộc, tôn giáo khác…

Thời gian qua, các thế lực thù địch đã tăng cường chiến lược “Diễn biến hòa bình”, trong đó lợi dụng, đẩy mạnh kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Mục đích của chúng là tạo dựng lực lượng phản động bên trong chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tôn giáo, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống; có 6 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, với khoảng hơn 20 triệu tín đồ và nhiều tôn giáo nhỏ khác. Nhìn chung, các tôn giáo và các dân tộc sống đoàn kết, hòa thuận, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tồn tại và phát triển, nhưng do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đều. Đặc biệt, cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn...

Do đó, các thế lực thù địch thường lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo để gây mâu thuẫn, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đặc biệt là, lợi dụng sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng đã tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới và sự khởi sắc của vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng đông đồng bào có đạo sinh sống nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, chính quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thủ đoạn chính của chúng là xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta không tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng có hận thù với cách mạng, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để tập hợp lực lượng chống đối; đồng thời, mua chuộc, lôi kéo, ép buộc đồng bào các dân tộc, tôn giáo chống đối chính quyền, vượt biên trái phép, gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo các “điểm nóng” để vu khống Việt Nam đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số, đàn áp tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Đặc biệt, vừa qua, khi nước ta có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019) nhằm giáo dục truyền thống lịch sử; tri ân, tôn vinh những cống hiến, hy sinh của lớp lớp người con anh dũng của dân tộc, các thế lực thù địch đã có nhiều hoạt động xuyên tạc bản chất chính nghĩa của cuộc chiến đấu.

Đặc biệt, có nhiều bài viết, nhiều “bình luận” trên các trang mạng xã hội khơi dậy những vấn đề lịch sử đã xảy ra cách đây 40 năm, đi ngược chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” để xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc ngày càng tốt đẹp. Mục đích của chúng là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ đoàn kết “lương - giáo” ở các tỉnh biên giới phía Bắc.

2. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở nói riêng quan hệ với nhân dân bằng biện pháp hành chính thông qua các cơ quan chính quyền cấp cơ sở đã tạo cơ hội cho tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan nảy nở. “Căn bệnh” này thường thể hiện qua hai loại hiện tượng: Một số cán bộ, đảng viên là người Việt có biểu hiện chưa coi trọng, kỳ thị đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.

Hơn nữa, một số cán bộ, đảng viên là người dân tộc thì lại tự ti, hoặc e ngại không đấu tranh, không chú ý tới lợi ích của đồng bào các dân tộc khác, đồng bào tôn giáo… Cả hai hiện tượng này đều là lực cản sự phát triển, có thể đẩy tới tác hại khôn lường, tạo cơ hội để các thế lực thù địch xuyên tạc, vu khống những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nhằm ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”; đặc biệt là chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan ở một số cán bộ, đảng viên và nhân dân, chúng ta cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Theo đó, mọi cán bộ, đảng viên cần khắc phục, loại trừ tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan trong nhận thức và hành động, nhất là cán bộ, đảng viên đang công tác ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi có đông đồng bào tôn giáo.

Chỉ trên cơ sở quán triệt nội dung Khoản 2, 3, Ðiều 5 Hiến pháp năm 2013: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc…” và Nghị quyết Ðại hội XII của Đảng: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng… Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”, chúng ta mới khắc phục được biểu hiện có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan ở một số cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hai là, kịp thời giải quyết tốt các “điểm nóng” liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động lôi kéo đồng bào gây rối, bạo loạn; thường xuyên vạch trần bộ mặt phản động của các thế lực thù địch để nhân dân nhận rõ và không bị lừa bịp; vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo để đồng bào tự vạch mặt những thủ đoạn xảo trá của chúng; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh này.

Ba là, không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; thực hiện đại đoàn kết phải rộng rãi, lâu dài; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, kiên quyết đấu tranh loại trừ nguy cơ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ti hoặc mặc cảm dân tộc.

Bốn là, tăng cường phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và đồng bào tôn giáo; đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả các chương trình, dự án an sinh xã hội, tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc, đồng bào tôn giáo nhanh chóng xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, duy trì, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc, tôn giáo.

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể; chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương; đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc, sử dụng những phương pháp phù hợp với đặc thù từng dân tộc, từng tôn giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn biểu hiện “có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.