Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ An: Phục hồi ngành ''công nghiệp không khói''

Cao Minh| 08/04/2021 19:14

(HNMCT) - Nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An có vị trí địa lý cùng hệ thống giao thông thuận lợi với quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh nối miền Bắc với cả nước, và là cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Cùng với đó, Nghệ An còn sở hữu tiềm năng du lịch phong phú, là điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển ngành “công nghiệp không khói” hậu dịch Covid-19.

Du khách tham quan đền Chung Sơn (huyện Nam Đàn) nơi thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phượng Cao

Vùng đất đậm đặc văn hóa

Địa hình đa dạng, chia làm 3 vùng: Núi, đồi và đồng bằng, trong đó vùng đồi, núi chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, đã mang lại cho Nghệ An nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Hệ thống rừng nguyên sinh ở khu vực phía Tây Nghệ An, gồm Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cùng hệ thống hang động độc đáo, các suối khoáng nóng ở khu vực miền Tây hay các bãi biển đẹp với đường bờ biển trải dài 82km... là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh, du lịch khám phá, mạo hiểm.

Nghệ An còn được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra các danh nhân, anh hùng như Mai Hắc Đế, Nguyễn Huệ, Nguyễn Biểu, Phan Bội Châu, Hồ Xuân Hương... Tiêu biểu trong số đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa đã tạo cho Nghệ An nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng với 2.602 di tích, trong đó có 442 di tích đã được xếp hạng. Đến nay, Nghệ An còn bảo lưu được các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc như kiến trúc nhà sàn truyền thống, các lễ hội cùng nhiều tập tục của đồng bào các dân tộc; đặc biệt, loại hình dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Mặc dù sở hữu tiềm năng đa dạng nhưng du lịch Nghệ An phát triển chưa tương xứng do nhiều nguyên nhân như điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung (năm 2016) và đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch Nghệ An chịu nhiều tổn thất; cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm và dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh; hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa hiệu quả...  

Nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trên, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi cho biết, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng với trọng tâm là du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái; ưu tiên phát triển các dịch vụ chất lượng cao nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch; nâng cao hiệu quả kết nối Nghệ An vào chuỗi sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung Bộ, liên vùng Bắc - Nam Trung Bộ và các trung tâm du lịch như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh...

Để thu hút khách đến Nghệ An trong thời gian tới, ông Nguyễn Huỳnh Sương, Giám đốc Công ty cổ phần Đông Dương Travel (thành phố Vinh) cho rằng: “Các điểm đến, doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ của tỉnh cần liên kết chặt chẽ với nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra trải nghiệm phong phú cho du khách. Cùng với đó, cần tạo thành liên minh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa khách đến, quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu du lịch nội tỉnh của người dân Nghệ An. Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cùng với việc mở lại cửa khẩu biên giới, Nghệ An cần liên kết trở lại với các thị trường Lào, Myanmar, Thái Lan... để thu hút khách quốc tế nhằm phục hồi du lịch một cách nhanh nhất”.

“Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 sẽ thu hút từ 6,2 - 6,3 triệu lượt khách du lịch có lưu trú, doanh thu từ du lịch đạt 10.500 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu, tỉnh sẽ cơ cấu lại sản phẩm du lịch theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao chất lượng trên cơ sở xây dựng các sản phẩm đặc thù như đầu tư xây dựng Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn) trở thành sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch nghỉ dưỡng biển tại Cửa Lò, Nghi Lộc, Hoàng Mai; xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm du lịch hội nghị, hội thảo; phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng, du lịch khám phá tại miền Tây Nghệ An...”.

(Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Phục hồi ngành ''công nghiệp không khói''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.