Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững

Hồng Sơn| 28/10/2020 06:06

(HNM) - Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định nhiệm vụ “tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững” trong giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện, các cấp, ngành thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực vào cuộc, với hành trang là kết quả của giai đoạn vừa qua cùng khát vọng phát triển trong chặng đường mới.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quan trọng để kinh tế Hà Nội phát triển nhanh và bền vững. Trong ảnh: Công nhân kiểm tra linh kiện tại dây chuyền lắp ráp máy ảnh của Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Viết Thành

Hướng đi đúng

Một trong những chỉ tiêu về kinh tế mà Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố đặt ra là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,5-8%/năm. Năm 2025, GRDP bình quân đạt 8.300-8.500 USD/người/năm; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 12,5-13,5%/năm; kinh tế số chiếm tỷ trọng 30% của GRDP.

Theo các chuyên gia, một số chỉ tiêu kinh tế của giai đoạn 2020-2025 mà Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra là hoàn toàn phù hợp. Bởi, như Nghị quyết Đại hội đã nêu rõ, trong giai đoạn 2016-2020, tuy gặp không ít khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song kinh tế Thủ đô đã đạt tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. GRDP bình quân giai đoạn này tăng 7,39%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.

Đặc biệt, Hà Nội đã xác định rõ một trong những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm là: “Tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược”. Theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, Hà Nội có nguồn nhân lực chất lượng cao hơn so với địa phương khác và đây là lợi thế để thực hiện mục tiêu này. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế Thủ đô dựa vào chất xám, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có sức lan tỏa... là hướng đi hoàn toàn phù hợp với Hà Nội.

Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu về kinh tế giai đoạn 2020-2025, nhất là hoàn thành nhiệm vụ “tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững” các chuyên gia cho rằng, thành phố Hà Nội vẫn phải nỗ lực rất lớn. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu, giai đoạn vừa qua, lĩnh vực phát triển kinh tế của Hà Nội tuy đạt kết quả cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và chưa tạo được các “đột phá lớn”.

“Môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội liên tục được cải thiện, nhưng nếu so với tiềm năng, lợi thế của thành phố lớn, trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước, thì hiệu quả thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội chưa tương xứng. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự phát huy mạnh mẽ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Phan Đức Hiếu đánh giá.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư

Được biết, ngay sau Đại hội lần thứ XVII, Chương trình công tác toàn khóa “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” đã được thành phố nghiên cứu, xây dựng - đây là định hướng quan trọng để các cấp, ngành triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ.    

Đề xuất giải pháp để kinh tế Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vai trò quan trọng. “Điều này đã thể hiện rất rõ khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hà Nội đạt 25 tỷ USD giai đoạn 2016-2020, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015; trong đó hai năm 2018, 2019 Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn này. Thu hút nguồn lực đầu tư từ nước ngoài ngày càng nhiều và có chọn lọc, chắc chắn kinh tế Hà Nội sẽ phát triển nhanh và bền vững”, ông Phan Đức Hiếu nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cho rằng, nếu tập trung thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư là tập đoàn quốc tế lớn, có thế mạnh về công nghệ cũng như tầm ảnh hưởng khu vực, toàn cầu sẽ rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế nói chung. Trên thực tế, nhiều thành phố tăng trưởng nhanh, liên tục nhờ thành công trong hấp dẫn đầu tư, tranh thủ được cơ hội và trào lưu phát triển mới thông qua thu hút nguồn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.    

Chia sẻ về quan điểm này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, vai trò và tầm quan trọng của khoa học, công nghệ được Hà Nội xác định rõ nét và lồng ghép với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới là giải pháp quan trọng để kích đẩy tái cơ cấu, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, phát triển kinh tế số, góp phần xây dựng một đô thị thông minh và hiện đại như đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. 

“Bên cạnh đó, thành phố sẽ kiên trì và đẩy mạnh cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh; khẳng định Hà Nội là địa chỉ hấp dẫn với cả dòng vốn đầu tư trong nước bằng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, lấy doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nói. 

Khẳng định doanh nghiệp - lực lượng quyết định tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng được phục vụ tốt hơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Lê Văn Quân xác nhận, công tác hỗ trợ doanh nghiệp luôn được chú trọng và hoạt động thực chất hơn thông qua các khóa, lớp đào tạo kỹ năng mềm, kiến thức quản trị, cung cấp thông tin về hội nhập cũng như thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; kết nối các doanh nghiệp với nhau, với thị trường và ủng hộ những mô hình mới. Mục đích xuyên suốt là đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ở mức tối đa, đưa Hà Nội trở thành nơi thuận lợi cho khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo.       

Với lợi thế nổi trội về tiềm năng tổng hợp cộng hưởng với khát vọng, quyết tâm vươn lên cùng sự đóng góp xứng đáng của cộng đồng doanh nghiệp, hy vọng Hà Nội sẽ hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng nhanh, bền vững. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.