Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yêu cầu từ thực tiễn

Gia Khánh| 21/10/2021 06:07

(HNM) - Trong quá trình phát triển, thành phố Hà Nội đã nhiều lần nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng. Đây là những định hướng lớn cho sự phát triển của Thủ đô trong tương lai; trong đó, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 (gọi tắt là QHC1259) là đồ án mới nhất được nghiên cứu, ban hành sau khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.

Ngoài yếu tố không gian rộng lớn hơn, Thủ đô Hà Nội cũng được định hướng phát triển với vị thế không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục… của quốc gia, mà còn mang tầm khu vực và quốc tế. Vì vậy, QHC1259 được nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, cập nhật, tham khảo nhiều đồ án quy hoạch lớn trên thế giới, mà mô hình “hành lang xanh” hay “chùm đô thị” là ví dụ. Lúc đó, nhiều người kỳ vọng, với đồ án quy hoạch này, Hà Nội sẽ có những bước phát triển nhanh trong tương lai không xa.

Thực tế, sau khi có QHC1259, thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan đã nhanh chóng xây dựng, phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết cũng tăng nhanh, là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ bản, diện mạo Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực. Đây là đánh giá chung của nhà quản lý, giới chuyên gia quy hoạch, người dân thành phố cũng như những người ở nơi khác đến Thủ đô.

Song, cũng có những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, điển hình như câu chuyện mật độ dân cư khu vực trung tâm nội đô. Từ quy hoạch chung xây dựng năm 1998 đến QHC1259 đều khống chế mật độ dân cư và định hướng giãn bớt dân khỏi khu vực trung tâm nội đô nhưng thực tế số dân vẫn tiếp tục tăng nhanh, rất cần phải có giải pháp mới mang tính đột phá. Hay đường Vành đai 4 mà Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc thống nhất đầu tư thời gian tới, sẽ trở thành động lực phát triển cho các địa phương nơi tuyến đường đi qua, nên cần có định hướng mở rộng không gian phù hợp.

Hà Nội đã đặt vấn đề điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để giải quyết những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Đây là việc cần thiết và cũng dễ hiểu, bởi cuộc sống luôn luôn có những thay đổi. Tuy nhiên, mục tiêu chung hướng tới vẫn phải là vì một Thủ đô phát triển xứng tầm với kỳ vọng mà cả nước gửi gắm. Dù điều chỉnh nhưng phải kế thừa mô hình, cấu trúc đô thị đã phê duyệt trên cơ sở rà soát có chọn lọc các nội dung phù hợp với tình hình hiện nay, để đồ án quy hoạch khả thi hơn, giải pháp phát triển cũng linh hoạt hơn.

Để đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô bảo đảm chất lượng, việc tổ chức thi tuyển ý tưởng rộng rãi nhằm thu hút nhiều đơn vị tư vấn tham gia và tranh thủ trí tuệ của giới chuyên gia quy hoạch, cũng như các nhà quản lý là cần thiết. Thành phố “ra đầu bài”, chuyên gia quy hoạch đưa “lời giải”. “Lời giải” hay sẽ được chọn để hoàn thiện và phát triển.

Cuối cùng, cũng như mọi quy hoạch khác, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng cũng cần được công khai, minh bạch thông tin, ngay từ khâu ý tưởng, nghiên cứu đến hoàn thiện, phê duyệt. Nội dung nào được điều chỉnh, khu vực nào được nghiên cứu, giải pháp nào được đề xuất… cũng cần phải rõ ràng, sát thực tiễn. Có như vậy mới tránh phát sinh “lợi ích nhóm”, lợi dụng quy hoạch để trục lợi; đồ án quy hoạch mới thực sự vì lợi ích chung, vì sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu từ thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.