Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết tiêu thụ lúa gạo tại Hà Nội: Mang lại nhiều lợi ích

Bạch Thanh| 29/11/2021 06:17

(HNM) - Năm 2021, diện tích canh tác lúa của thành phố Hà Nội là 160.000ha, là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn của khu vực phía Bắc. Thời gian qua, các địa phương, hợp tác xã… trên địa bàn thành phố đã tích cực liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo với doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích: Nông dân trồng lúa có thu nhập ngày càng cao, doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, thành phố nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất mới…

Đại diện Hội Nông dân thành phố Hà Nội tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ tại huyện Đan Phượng.

Đa dạng liên kết, tiêu thụ sản phẩm

Vài năm gần đây, ông Đinh Văn Bình ở xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) đã thuê, gom đất nông nghiệp để canh tác 20 sào lúa. Toàn bộ sản phẩm được Hợp tác xã Nông nghiệp Lê Thanh kết nối với doanh nghiệp thu mua tại chỗ và duy trì ổn định qua các vụ. Thời điểm hiện tại, 185 hộ nông dân tại xã Lê Thanh, thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Lê Thanh đã tham gia vào mô hình này với tổng diện tích canh tác khoảng 30ha, sản lượng mỗi vụ thu hoạch từ 30 đến 50 tấn lúa.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lê Thanh Phạm Văn Hai cho biết, đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp lúa gạo với doanh nghiệp. Cuối vụ, doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua sản phẩm của bà con với giá 6.000-6.200 đồng/kg thóc tươi - mức giá được xem là cao hơn so với bình quân chung thị trường.

Thực hiện Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo hướng xuất khẩu gắn với liên kết tiêu thụ trên địa bàn thành phố năm 2021, Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã phối hợp với huyện Chương Mỹ triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 100ha tại các xã, thị trấn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Tiến thông tin, tham gia chuỗi liên kết, đơn vị được cung ứng giống chất lượng cao, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và hơn hết là Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã thu mua, bao tiêu sản phẩm ngay tại ruộng nên nông dân yên tâm sản xuất.

Giám đốc kinh doanh Công ty Vinaseed Nguyễn Văn Giang cho biết, qua các mô hình liên kết, doanh nghiệp đã đưa được nhiều bộ giống lúa mới chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu vào sản xuất một cách nhanh nhất. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến nhận định, mô hình liên kết đã mang lại lợi ích cho các bên tham gia: Nông dân có thu nhập cao, yên tâm sản xuất lúa gạo; doanh nghiệp đưa được giống mới vào đồng ruộng, thu mua được sản phẩm chất lượng cao; ngành Nông nghiệp mở rộng được các mô hình sản xuất mới…

Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm lúa gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Hồng Phong (huyện Chương Mỹ), giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Nhiều giải pháp mở rộng chuỗi liên kết

Hiệu quả từ việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo đã rõ nhưng việc nhân rộng, phát triển các mô hình này còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Phạm Trọng Của trăn trở, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa gạo của địa phương còn không ít bất cập, chưa có nhiều doanh nghiệp đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Là đơn vị hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy thông tin, hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính định hướng, không phải là hợp đồng kinh tế với tính pháp lý cao nên các bên dễ vi phạm. Mặt khác, doanh nghiệp khó nhân rộng mô hình liên kết vì thiếu vốn, thiếu nhân lực...

Về vấn đề này, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho rằng, các địa phương cần tập trung xây dựng những mô hình chuẩn theo hướng hữu cơ, tuân thủ quy trình VietGAP để làm tiền đề cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.

Nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc quy hoạch sản xuất, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thủy lợi đồng bộ; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất của người dân cũng như năng lực hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tạo thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có giải pháp bảo đảm thực thi các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân với doanh nghiệp cùng các bên liên quan; phát huy vai trò của từng chủ thể trong chuỗi liên kết, tạo sự tin tưởng để các bên cùng có lợi và gắn kết lâu dài.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô đã làm khá tốt khâu liên kết giữa người sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp thông qua việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ lúa gạo gắn với cung ứng giống, vật tư, cơ giới hóa... Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, Hà Nội cần chuyển từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị, đích đến là thị trường và người tiêu dùng. Trong việc sản xuất lúa gạo hiện nay, không có con đường nào khác là phải sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác. Trong đó, người nông dân góp đất đai với doanh nghiệp, hợp tác xã… để tạo ra các cánh đồng lớn; doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ hỗ trợ nông dân từ việc xuống giống cho đến quá trình canh tác, cơ giới hóa, bao tiêu sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết tiêu thụ lúa gạo tại Hà Nội: Mang lại nhiều lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.