Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển hệ sinh thái truyện tranh Việt Nam: Đưa công nghiệp hình ảnh bứt phá

An Nhi| 26/12/2021 06:10

(HNM) - Thị trường truyện tranh Việt Nam đang phát triển và được độc giả đón nhận tích cực. Truyện tranh cũng là nguồn cảm hứng, tạo sự tương tác với các lĩnh vực khác, như: Phim truyện, phim truyền hình, phim hoạt hình, trò chơi điện tử... Từ truyện tranh, khi phát triển thành hệ sinh thái với nhiều sản phẩm liên quan khác, chắc chắn sẽ đưa công nghiệp hình ảnh ở nước ta phát triển bứt phá.

Truyện tranh, sách tranh Việt Nam được độc giả trong nước yêu thích và đón nhận. Trong ảnh: Các em nhỏ lựa chọn truyện tranh tại Nhà sách Kim Đồng (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Thụy Du

Thị trường triển vọng

Mỗi tập truyện tranh dã sử “Long thần tướng” (do các tác giả Nguyễn Thành Phong và Mỹ Anh vẽ, Nguyễn Khánh Dương kể) ra mắt đều trở thành hiện tượng trong giới xuất bản với những hàng dài độc giả ngóng đợi để sở hữu sách. Bên cạnh xuất bản sách, nhóm tác giả còn làm các sản phẩm khác, như: Bưu thiếp, tranh, tượng, sổ, áo, ốp lưng điện thoại... lấy cảm hứng từ bộ truyện, được nhiều người yêu thích. Họ cũng đang bắt tay hợp tác với nhà sản xuất Ngô Thanh Vân để làm phim điện ảnh về nhân vật Lê Nhật Lan trong bộ truyện, đồng thời tự triển khai sản xuất phim hoạt hình “Long thần tướng”.

Điều đặc biệt, cả 4 tập truyện “Long thần tướng” đều được xuất bản từ việc gây quỹ cộng đồng. Sau thành công với tập 1, năm 2015, tác giả Nguyễn Khánh Dương đã mạnh dạn thành lập Công ty cổ phần Comicola nhằm hỗ trợ xuất bản truyện tranh của tác giả Việt. Đến nay, đơn vị đã hợp tác với hơn 100 tác giả, có hơn 1 triệu độc giả ủng hộ, ra mắt 50 dự án truyện tranh, lập ứng dụng đọc truyện tranh có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam, phát triển nhiều sản phẩm từ các bộ truyện… 

Bộ truyện tranh “Twins - Con nhà lính” của tác giả RED, với câu chuyện vừa gần gũi, vừa hài hước, nét vẽ duyên dáng, tinh nghịch về cuộc sống hằng ngày của gia đình Việt Nam qua lăng kính các bạn nhỏ cũng tạo “cơn sốt” với 4 tập ra mắt và đang khiến độc giả nóng lòng đợi những tập tiếp theo. Ngoài ra, nhiều bộ truyện tranh của tác giả Việt ra đời gần đây, như: “Đường hoa” (tác giả Lâm Hoàng Trúc), “Học sinh chân kinh” và “Lớp học mật ngữ” (tác giả Hoàng Anh Tuấn), “Nhật ký Mèo Mốc” (tác giả Mèo Mốc)… tạo nên sự phong phú, sôi động và có dấu ấn cho truyện tranh nước nhà.

Ngoài truyện tranh, sách tranh của tác giả Việt cũng đang phát triển mạnh. Tiêu biểu là cuốn “Chang hoang dã - Gấu” (tác giả Trang Nguyễn và Jeet Zdung) đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư vừa qua, đã bán hết 3.000 bản và được nối bản chỉ sau 3 tuần ra mắt trong nước. Sách còn được bán bản quyền và xuất bản tại 7 quốc gia khác trên thế giới. Không chỉ dừng ở xuất bản truyện chữ, tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài còn được chuyển thể truyện tranh. Truyện còn được xây dựng kịch bản để sản xuất phim hoạt hình và là cảm hứng cho nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, sắp đặt được yêu thích. Bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” sau nhiều năm “làm mưa, làm gió” trên thị trường đã được chuyển thể thành phim truyện điện ảnh “Trạng Tí phiêu lưu ký”, thu được 16 tỷ đồng sau 3 ngày công chiếu…

Em Nguyễn Lan Phương (học sinh Trường Trung học cơ sở Xuân La, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Em thích những bộ truyện tranh của tác giả Việt Nam không kém truyện tranh của Nhật Bản, bởi các bộ truyện đều gần gũi, thú vị, cung cấp nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử bổ ích”.

Tác giả bộ truyện tranh “Twins - Con nhà lính” sáng tác những tập truyện tiếp theo. Ảnh: Thụy Du

Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa

Công nghiệp hình ảnh là một khái niệm mới ở nước ta, nhưng theo nhiều chuyên gia văn hóa và sáng tạo, tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, công nghiệp hình ảnh là một phần của công nghiệp văn hóa, bao gồm truyện tranh, hoạt hình và video games (trò chơi điện tử).

Ở góc độ người sáng tác, tác giả truyện tranh “Đường hoa” Lâm Hoàng Trúc chia sẻ, kinh nghiệm để được các nhà xuất bản lựa chọn in và độc giả đón nhận là nét vẽ cá tính, câu chuyện mang đậm nét văn hóa Việt Nam với nội dung tích cực, hướng thiện... cho giới trẻ. Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Comicola Nguyễn Khánh Dương cho biết, sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyện tranh, có thể khẳng định, người Việt luôn đón nhận các tác phẩm của tác giả Việt và đặc biệt những tác phẩm có nội dung tốt.

Là đơn vị xuất bản truyện tranh hàng đầu ở Việt Nam, Trưởng ban Biên tập truyện tranh (Nhà Xuất bản Kim Đồng) Đặng Cao Cường cho rằng, phát triển hệ sinh thái truyện tranh, tiến tới xây dựng công nghiệp hình ảnh Việt Nam là xu hướng tất yếu. Vì vậy, cùng với việc tìm kiếm, phát hiện và mời tác giả truyện tranh mới cộng tác, Nhà Xuất bản Kim Đồng còn mở rộng các hình thức phái sinh như xuất bản ngoại truyện, làm phim hoạt hình, trò chơi điện tử… từ các truyện tranh. Tới đây, nhà xuất bản sẽ tích cực kết nối hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để chung tay phát triển thương hiệu từ truyện tranh.

Tham gia nhiều chương trình có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ tạo “đường ray” thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp hình ảnh. Là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về văn hóa, nghệ thuật, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẽ tích cực nghiên cứu để tư vấn các chiến lược, chính sách về đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác quốc tế, bảo vệ bản quyền…, nhằm phát triển lĩnh vực truyện tranh, góp phần đưa công nghiệp hình ảnh Việt Nam bứt phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hệ sinh thái truyện tranh Việt Nam: Đưa công nghiệp hình ảnh bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.