Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hấp dẫn - Truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XX

Hà Dương| 06/03/2016 11:36

(HNMO) - Giới nghiên cứu cho rằng, cuốn tiểu thuyết “Vết tay trên trần” của nhà văn Phạm Cao Củng viết và xuất bản năm 1936 là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại.


Một năm sau Thế Lữ viết hai truyện vừa là “Phóng viên trinh thám” và “Những nét chữ” tập hợp chung trong tập sách mang tên “Lê Phong” (cũng là tên nhận vật chính-nhà báo Lê Phong) được xem như sự mở đường cho dòng văn học này nhưng với tinh thần mang đậm dấu ấn Việt Nam. Thế Lữ (1907-1989) tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, quê ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh là nhà thơ, nhà văn nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng nước ta đầu thế kỷ XX. Tác phẩm “Lê Phong” của ông vừa được NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam giới thiệu với bạn đọc dựa theo ấn bản “Lê Phong” của NXB Đời nay năm 1942 với tinh thần giữ nguyên như bản gốc, chỉ chỉnh sửa một số từ phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay. Như “câu chuyện” thay vì “câu truyện”, “thúc giục” thay vì “thúc dục”…

Có thể nói gần 200 trang truyện vừa của ông trong tập “Lê Phong” tuy là tác phẩm thời đầu của dòng văn học trinh thám Việt, có ảnh hưởng mô thức trinh thám phương Tây nhưng đọc lại vẫn thấy rất hấp dẫn, đặc biệt là in đậm những dấu ấn trong cuộc đời riêng của tác giả. Trong đó, “Phóng viên trinh thám” là câu chuyện về điều tra án mạng, còn “Những nét chữ” lại là một dạng trinh thám hiện đại: bí ẩn mật mã. Cũng qua những trang viết của Thế Lữ, bạn đọc còn có thể gặp lại ở đây không khí đời sống, văn chương, con người Việt Nam cách nay gần một thế kỷ. Và tác giả nổi tiếng của “Nhớ rừng” dịp này cũng hiện diện trước người đọc với một gương mặt khác-nhà văn của dòng văn học trinh thám sơ khai của Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hấp dẫn - Truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XX

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.