Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyện tranh Việt Nam: Loay hoay tìm "công thức" phát triển

Thi Thi| 14/03/2016 07:04

(HNM) - Truyện tranh dã sử

Bìa tập 1 bộ truyện tranh Việt Nam “Long Thần Tướng”.


Gian nan đường nghề

Dương Minh Đức sinh năm 1994 (tác giả truyện tranh "Nhóm máu O" nói về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia), thi đỗ ĐH Kiến trúc Hà Nội nhưng học được một năm thì rời trường vì "bị ước mơ vẽ truyện tranh nó hành cho không yên". Giọng rủ rỉ, Đức thừa nhận trong những ngày ấy, cậu từng phụ bán hàng dù không hẳn để mưu sinh.

Cho đến khi Đức gặp được "những người cùng chí hướng" và nhất là mô hình gây quỹ cộng đồng (quyên góp tiền từ độc giả để xuất bản truyện) thì cậu như được giải thoát. Truyện tranh "Nhóm máu O" ra đời, được một nhà báo Nhật Bản đưa lên báo điện tử. Yusuke Murata - tác giả truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng chia sẻ link bài viết trên mạng kèm lời khen bằng tiếng Việt. Với một tác giả trẻ, như thế kể cũng đã là một nguồn động viên lớn.

Nhiều họa sĩ trẻ cũng từng phải vượt qua áp lực từ gia đình khi quyết chí cầm cọ. Như Nguyễn Huỳnh Bảo Châu (nổi tiếng với bút danh "Châu Chặt Chém"), học ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh nhưng không thỏa mộng, cũng lại rời trường. Hay như Mai Anh, cô gái được đào tạo chính quy về mỹ thuật, đã mở cửa hàng bánh riêng, kiếm được nhiều tiền nhưng không cảm thấy vui. Rồi Mai Anh tạm xa nghề làm bánh, "đầu quân" cho truyện tranh. "Những đêm ngủ tại xưởng để vẽ cho kịp tiến độ, sáng ra, đi bộ ngoài phố, cảm thấy Hà Nội đẹp quá đỗi và lòng mình cũng vui quá đỗi", Mai Anh chia sẻ.

Có một điều thường thấy là ban đầu, khi cánh trẻ thể hiện giấc mơ theo đuổi nghề vẽ truyện tranh, các bậc phụ huynh là rào cản không dễ vượt qua. Theo Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập cộng đồng truyện tranh Comicola có sự tham gia của khoảng 20 họa sĩ trong Nam, ngoài Bắc, anh từng lắng nghe sự chia sẻ của nhiều phụ huynh và thấy rõ rằng họa sĩ truyện tranh Việt Nam muốn theo nghề thì phải vượt qua nhiều trở ngại.

Mô hình nào cho truyện tranh Việt?

Việt Nam chưa có nhiều cơ sở đào tạo riêng về truyện tranh. Họa sĩ Phan Vũ Linh, giảng viên ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: Cách đây dăm năm, ngành truyện tranh của trường ra đời, nhưng vì chưa có mã ngành riêng nên vẫn phải "ở nhờ" ngành đồ họa. Những năm gần đây, lượng học sinh học vẽ truyện tranh đông hơn. Thậm chí, ở một số trường khác, có đến 50% số thí sinh chọn vào thiết kế đồ họa - thực chất là để học vẽ truyện tranh.

Tiềm năng truyện tranh lớn dần. Năm 2014, xuất hiện Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam chuyên đào tạo sáng tác truyện tranh và làm phim hoạt hình. Tuy nhiên, so với yêu cầu của nền công nghiệp truyện tranh thì những gì đã có vẫn là chưa đủ. Đó là hạn chế lớn bởi chưa qua đào tạo bài bản thì phần lớn họa sĩ trẻ làm việc tùy hứng, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, tác phẩm thiếu chiều sâu... Sự thiếu chuyên nghiệp cản trở bước đường phát triển thành ngành công nghiệp đúng nghĩa của truyện tranh.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc sáng tác, xuất bản truyện tranh chưa được thực hiện theo quy trình rõ ràng. Tại Nhật Bản, các NXB truyện tranh đều hoạt động rất bài bản, hiệu quả. Như NXB Shogakukan thường tung ra hàng chục loại tạp chí truyện tranh cho mọi lứa tuổi, khoảng 500 truyện (hầu hết dài kỳ) mỗi năm. Sau đó, những truyện ăn khách sẽ được tập hợp để in thành sách. Các tác phẩm nổi tiếng được chuyển thể sang hoạt hình, phim và sản phẩm văn hóa "ăn theo" khác.

Tại Việt Nam, khoảng mươi năm trước, chúng ta đã thử xuất bản tạp chí truyện tranh như "Ba lô xanh", "Truyện tranh trẻ", "Truyện tranh Việt"… nhưng không thành công. Họa sĩ Nguyễn Thành Phong cho rằng, công thức phù hợp với truyện tranh Việt hiện nay là "internet, mạng xã hội và gây quỹ cộng đồng". Thực tế cho thấy chỉ riêng Comicola trong năm qua đã gây quỹ xuất bản được gần chục tác phẩm. "Long Thần Tướng" cũng là truyện tranh đầu tiên được xuất bản nhờ gây quỹ từ bạn đọc. Đó có thể là sự khởi đầu đáng lưu ý cho hành trình đưa truyện tranh phát triển.

Nhà biên kịch Nguyễn Khánh Dương (sáng lập cộng đồng truyện tranh Comicola với khoảng 30 nghìn bạn đọc thành viên): "Nhiều phim bom tấn của Mỹ khai thác đề tài từ truyện tranh như "X-men", "Spiderman", "Avenger"… Trong 10 phim Nhật Bản ăn khách nhất năm 2015, có ít nhất 4 phim chuyển thể từ truyện tranh. Truyện tranh Việt không thua kém các nước trong khu vực về hình ảnh, nội dung. Mong cộng đồng họa sĩ, tác giả truyện tranh cùng nhau tạo dựng một hệ sinh thái truyện tranh, phim ảnh, sản phẩm văn hóa để vừa đóng góp về kinh tế vừa làm cầu nối đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện tranh Việt Nam: Loay hoay tìm "công thức" phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.