Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các nhà văn đọc sách gì?

Lê Phong| 18/04/2021 06:36

(HNMCT) - Nhà văn là người tạo ra những cuốn sách văn chương. Nhưng trước khi viết sách, họ đã đọc gì và quan điểm về đọc sách của họ như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với một số cây bút về việc đọc sách của họ.

Sách là nguồn tri thức, kinh nghiệm, mỹ cảm nuôi dưỡng và kích thích sự sáng tạo của nhà văn. Ảnh: Công Huy

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy:
Đọc sách là nhu cầu tự thân

Hồi mới vào nghề viết tôi ngốn sách khá nhiều. Đó là những trước tác kinh điển, cả trong nước và thế giới. Thời còn học trường viết văn thì đọc theo yêu cầu của giáo trình để trang bị một lưng vốn cơ bản về văn hóa nhân loại. Khi làm nghề biên tập, ngoài các bản thảo cộng tác viên gửi về phải đọc để xử lý, đề nghị in trên tạp chí, tôi phải đọc các báo, tạp chí văn nghệ. Đọc để phát hiện tác phẩm mới, tác giả mới, cũng là để tránh cho in những tác phẩm mà báo khác đã đăng.

Thời trẻ tôi háo hức đọc bất cứ sách gì đến tay, đủ các thể loại, đủ lĩnh vực với tâm thế khám phá và học hỏi... Mỗi đêm tôi có thể đọc xong một cuốn dày 300 trang. Giờ già rồi, tôi khó tính hơn, đọc chậm hơn, nhưng vẫn dành quỹ thời gian cố định cho việc đọc, đó là khoảng thời gian từ 22h đêm tới 2h sáng. Những loại sách tôi đang đọc hiện nay phần nhiều là tác phẩm của các nhà xuất bản trong nước ấn hành. Đây vừa là nhu cầu tự thân, không đọc thì... không ngủ được, cũng là nhiệm vụ bắt buộc, bởi làm nghề viết, nghề biên tập mà không đọc cập nhật thì “cũ” nhanh lắm.

Nhà văn Trung Sỹ:
Sách hay luôn là một nguồn của mọi sáng tạo

Đọc sách gì, với tôi tất nhiên đầu tiên đó là các cuốn sách văn học. Ở tuổi thiếu niên thì chúng tôi đơn giản gọi là “đọc truyện”, vì mỗi cuốn sách là một câu chuyện. Trưởng thành đọc lại thì biết ngoài các sự kiện, số phận nhân vật của “chuyện” lại có thêm các yếu tố khác nữa tham gia, nhất là các chi tiết đắt, góp phần quan trọng giúp ta cảm thụ được cái không khí, xúc cảm và cái đích cuốn truyện muốn diễn đạt. Tôi đọc nhiều truyện Việt Nam, văn học Liên Xô và Nga, văn học Pháp, Mỹ - Latin là chủ yếu. Sách lý luận sáng tác thì tôi không thích vì không có ý định làm nghề, hơn nữa vì nó khô khan. Tôi coi hai cuốn “Bông hồng vàng” và “Một mình với mùa thu” của Paustovsky chính là kinh nghiệm sáng tác mà ông đã chia sẻ rất nhẹ nhàng, tinh tế.

Một cuốn sách hay kể cả đọc lại vẫn luôn gây cảm hứng cho người đọc muốn viết một cái gì đó dù chưa xác định... Sách hay luôn là một nguồn của mọi sáng tạo.

Nhà văn Phạm Thu Hà:
Luôn cố gắng dành thời gian đọc sách mỗi ngày

Là một người viết, đồng thời là một người làm trong ngành Xuất bản, tôi luôn cố gắng dành thời gian đọc sách mỗi ngày. Để duy trì việc đọc, tôi đã tạo cho mình thói quen luôn mang sách bên người và liệt kê danh sách những cuốn sách phải đọc trong tháng. Tôi đọc cả sách hư cấu lẫn phi hư cấu để giải trí và tìm hiểu các lĩnh vực mà mình quan tâm. Việc đọc sách giúp tôi phần nào mở rộng tâm trí, rèn luyện tính kỷ luật, rèn luyện kỹ năng tìm tòi, tổng hợp thông tin. Việc đọc đặc biệt quan trọng với một người viết như tôi vì nó là nguồn cảm hứng, là khởi nguyên của sự sáng tạo, là người thầy dạy dỗ.

Mỗi lần ở đâu đó, gặp được một phiên bản thẳng thừng hay lòng vòng của câu hỏi “Đọc để làm gì?” tôi lại nhớ về những lời từ một trong những bài tiểu luận xuất sắc nhất mọi thời đại của Mario Vargas Llosa: “... Không có gì bảo vệ một con người trước sự ngu xuẩn, thành kiến, sự kỳ thị chủng tộc, óc bè phái trong tôn giáo và chính trị, và chủ nghĩa dân tộc độc tôn, bằng cái sự thật từng hiển lộ bất biến trong những tác phẩm văn chương lớn: Rằng con người, nam cũng như nữ, thuộc mọi quốc gia và xứ sở, đều nhất thiết bình đẳng với nhau, và chỉ có sự bất công mới gieo rắc trong họ mầm mống của óc kỳ thị, nỗi sợ hãi và sự bóc lột".

Nhà văn Đinh Phương:
Đọc là việc mở rộng các hình dung về thế giới

Tôi đọc mọi thứ và mọi lúc có thể. Từ những cuốn sách dạy về chạy bộ, nuôi chim, đá gà, chăm sóc cây cảnh... đến sách nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, rồi hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Bởi tôi nghĩ: Đọc là việc mở rộng các hình dung về thế giới. Khi tôi biết được nhiều thứ trong thế giới đó thì việc sáng tác của tôi sẽ tốt hơn. Nó giúp tôi “bịa” như thật. Ví dụ, khi tôi viết một nhân vật mê đá gà thì cũng cần phải biết sơ đẳng việc chọn gà chọi giống thế nào, chuồng trại, chăm sóc ra sao, trước khi vào trận cần chuẩn bị gì; sâu hơn nữa thì đến các miếng đánh hoa mỹ của gà; tiếng lóng, trang phục, biểu cảm người tham gia trên sới khi được và thua...

Nếu tôi không thể tham gia trải nghiệm vào nhiều lớp sống trong đời thì việc đọc chính là giúp lấp đi phần nào các kiến thức, số phận, khung cảnh mà mình thiếu. Để ý nhất là viết đúng, tiến tới viết hay chứ không viết sai.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn:
Có hai dòng sách tác động trực tiếp đến công việc sáng tác và phê bình của tôi

Từ nhỏ tôi có thói quen đọc tất cả những cuốn sách nằm trong tầm tay với của mình. Bây giờ, do đặc thù nghề nghiệp, tôi chuyên tâm vào hai dòng sách. Thứ nhất là những cuốn sách liên quan đến thi ca. Thứ hai là những cuốn sách liên quan đến văn hóa. Hai dòng sách này đều tác động trực tiếp đến công việc sáng tác và phê bình của tôi. Tuy nhiên, những cuốn sách viết về văn hóa các dân tộc thường khiến tôi suy tư nhiều hơn.

Tôi nhận ra rằng, trong bối cảnh hội nhập, văn hóa có vị trí rất quan trọng trong nhận thức và hành động của mỗi con người và mỗi cộng đồng. Tính độc đáo và tính khác biệt của văn hóa Việt Nam khi đặt cạnh văn hóa các quốc gia khác, chính là giá trị mà người cầm bút như tôi phải nâng niu và trân trọng. Tôi tin rằng, khi và chỉ khi thấu hiểu bản sắc văn hóa của dân tộc mình thì tôi mới mong có được những tác phẩm đích thực dành cho công chúng văn chương Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nhà văn đọc sách gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.