Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phát hiện 27/42 ca dương tính trở về từ vùng dịch đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin

Thu Trang| 27/10/2021 09:20

(HNMO) - Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 26-10, thành phố đã rà soát, quản lý và giám sát sức khỏe 5.996 người từ các tỉnh miền Nam, qua đó phát hiện 27/42 ca dương tính với vi rút SARS-Cov-2 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.

Cụ thể, trong số 5.996 người từ các tỉnh miền Nam, có 3.309 người đi máy bay, 820 người đi tàu hỏa; 1.123 người đi ô tô, xe khách; 744 người đi bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô). Qua xét nghiệm, đã có 42 trường hợp dương tính, trong đó có 30 trường hợp về từ thành phố Hồ Chí Minh, 6 trường hợp về từ tỉnh Đồng Nai, 3 trường hợp về từ tỉnh Bình Dương, 2 trường hợp về từ tỉnh Quảng Ngãi và 1 trường hợp về từ tỉnh Tây Ninh.

Theo phân loại dựa trên phương tiện di chuyển, trong số 42 trường hợp dương tính, có 24 người đi bằng ô tô, 11 người đi máy bay, 6 người đi tàu hỏa, 1 người đi bằng xe máy. Về tiền sử tiêm chủng, có 27 ca dương tính đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, 9 ca dương tính đã tiêm 1 mũi, 5 ca dương tính chưa tiêm và 1 ca dương tính chưa đến tuổi tiêm chủng.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn khẳng định, không có vắc xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Với vắc xin phòng Covid-19, loại cao nhất cũng chỉ đạt hiệu quả bảo vệ 85-87%. Vì vậy, kể cả tiêm đủ hai mũi vắc xin cũng chỉ có hiệu quả bảo vệ nhất định, tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người.

Trong 8 loại vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại nước ta, vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được tiêm nhiều nhất. Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đối với vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%. Sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần, hiệu lực đạt 55,1%. Sau 6-8 tuần, tỷ lệ này là 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Việt Nam chưa đạt tỷ lệ tiêm bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế, người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác. Người được tiêm vắc xin mà nhiễm SARS-CoV-2 có thể lây bệnh cho người chưa tiêm vắc xin và gây bùng phát dịch.

"Nhiều nghiên cứu cho rằng, có những trường hợp khi nhiễm SARS-CoV-2, nồng độ vi rút ở hầu họng của người tiêm và chưa tiêm giống nhau. Do đó, người tiêm khi nhiễm sẽ truyền bệnh cho người khác, nguy hiểm nhất là truyền bệnh cho trẻ em, người già, người có bệnh nền, đối tượng chưa được tiêm vắc xin. Bởi người già, người có bệnh nền khi nhiễm vi rút dễ mắc nặng và tử vong", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm.

Chính vì vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, việc thực hiện "5K" vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần được duy trì thì mới bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết, rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phát hiện 27/42 ca dương tính trở về từ vùng dịch đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.