Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước Pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan: Cần một chiến lược dài hạn

Quỳnh Dương| 23/10/2020 06:39

(HNM) - Ngày 21-10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết đẩy mạnh các hành động chống những phần tử Hồi giáo cực đoan. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nước Pháp vẫn chưa khỏi bàng hoàng sau vụ sát hại dã man một giáo viên lịch sử tại ngoại ô thủ đô Paris cách đây một tuần. Với những kế hoạch đề ra, ông chủ Điện Elysee muốn truyền đi thông điệp, nước Pháp sẽ không khoan nhượng trong cuộc chiến với những đối tượng gây tổn hại đến an ninh quốc gia.

An ninh tại Pháp được tăng cường sau vụ tấn công gây chấn động ở ngoại ô Paris.

Vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty khiến nhiều người liên tưởng đến làn sóng khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện hồi năm 2015, sau khi Tòa soạn báo Charlie Hebdo đăng tải hình ảnh biếm họa về đấng tiên tri Mohammed của đạo Hồi. Ngay lập tức, Chính phủ của Tổng thống E.Macron phải đứng trước sức ép từ các đảng đối lập, yêu cầu lập trường cứng rắn hơn với những trường hợp không mang quốc tịch Pháp có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh của nước này. 

Theo nhận định của giới quan sát, nguy cơ khủng bố tại Pháp đến từ con đường nhập cư là rất lớn bởi thực tế cho thấy, một số thanh niên nước ngoài nhập cư không thể hội nhập với cuộc sống mới, có xu hướng bị cực đoan hóa. Theo thống kê của Quỹ hỗ trợ xã hội cho trẻ em, số lượng trẻ vị thành niên nước ngoài nhập cư không có người lớn đi kèm đã tăng mạnh trong những năm gần đây, trong đó thanh niên theo đạo Hồi chiếm phần lớn. Khi mới đến Pháp, trẻ vị thành niên mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn và đều cố gắng tham gia vào quá trình hội nhập xã hội với hy vọng nhanh chóng có được việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời gian bảo trợ xã hội, tức đủ 18 tuổi, có một số người không thất vọng với “giấc mơ đổi đời” ở miền đất hứa nên dễ bị kích động và bị cám dỗ sử dụng bạo lực. Giải quyết được thực trạng này đối với nước Pháp thực sự là một bài toán khó.

Ngoài ra, một mối đe dọa khác đối với nước Pháp là những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan sắp ra tù. Hiện tại, Pháp có 505 tù nhân liên quan đến phong trào khủng bố Hồi giáo và 702 tù nhân có tư tưởng cực đoan. Nguồn tin từ Bộ Nội vụ Pháp cho hay, dự kiến trong năm 2020, 45 tù nhân bị kết án vì các hành vi liên kết khủng bố sẽ mãn hạn tù và con số này sẽ lên đến 63 người vào năm 2021.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin nhận định, những kẻ cuồng tín hành động không theo khuôn mẫu khủng bố thông thường, rất nhiều trường hợp hành động đơn lẻ chứ không nhất thiết liên kết với một nhóm nào đó. Điều này tạo ra thách thức ngày càng tăng đối với các cơ quan an ninh. Hiện, tình báo Pháp đang phải theo dõi tới 8.132 đối tượng nằm trong hồ sơ ngăn chặn cực đoan hóa có tính chất khủng bố, đồng thời phải liên tục đánh giá lại và cập nhật hồ sơ này vì “bất kỳ sai sót nào cũng có thể trở thành thảm họa”.

Trên thực tế, để tăng cường các biện pháp truy quét khủng bố, suốt một tuần qua, cảnh sát Pháp đã tiến hành đột kích nơi ở của hàng chục đối tượng tình nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan. Cơ quan an ninh cũng đã mở hơn 80 cuộc điều tra về những phát ngôn thù hận trên mạng và bắt giữ 11 đối tượng. Nước này đang lên kế hoạch trục xuất 231 người nước ngoài nằm trong danh sách theo dõi của Chính phủ, đồng thời yêu cầu các cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ xem xét kỹ hơn các đơn xin tị nạn tại Pháp.

Tuy nhiên, những biện pháp nói trên mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Các nhà phân tích cho rằng để diệt trừ tận gốc chủ nghĩa cực đoan, nước Pháp cần triển khai một chiến lược dài hạn về kinh tế - xã hội, văn hóa… nhằm xóa bỏ các rào cản và bất công xã hội, các định kiến về chủng tộc, tôn giáo. Điều này phải kiên trì thực hiện trong nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan: Cần một chiến lược dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.