Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng 4 chủng biến thể của vi rút SARS-CoV-2 tại Việt Nam như thế nào?

Xuân Lộc| 18/02/2021 13:58

(HNMO) - Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, hơn một năm qua, Việt Nam đã ghi nhận 4 chủng biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2, gồm: Biến chủng mới từ Anh, Nam Phi, Rwanda (châu Phi) và biến chủng gây dịch ở Đà Nẵng, trong đó có 3 chủng ghi nhận tại cộng đồng và 1 chủng ghi nhận ở một bệnh nhân được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Vậy, biện pháp phòng Covid-19 chủng vi rút mới là gì?

 Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mê Linh tiến hành điều tra dịch tễ tại cộng đồng.

Chủng "siêu lây nhiễm" tại Hải Dương và Quảng Ninh

Ngày 2-1-2021, Bộ Y tế công bố, trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng B117 lần đầu tiên xuất hiện tại Anh (vào tháng 12-2020), đó là ca bệnh 1.435 (nữ, sinh năm 1976, quê quán ở tỉnh Trà Vinh, về Việt Nam ngày 22-12-2020) và được cách ly tập trung ngay tại tỉnh Trà Vinh.

Một tháng sau đó, ngày 2-2-2021, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thông tin, các nhà khoa học tại đây đã lấy mẫu, xét nghiệm và giải trình tự gene vi rút SARS-CoV-2 và cho kết quả, 11/16 mẫu liên quan đến 2 ổ dịch Hải Dương (Công ty POYUN, thành phố Chí Linh) và sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có trình tự gene tương tự vi rút B117 lần đầu xuất hiện tại Anh.

 Lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên sân bay Nội Bài.

Hiện tại, thế giới chưa có kết luận chính xác biến chủng B117 có độc lực mạnh hơn và gây nguy hiểm hơn hay không. Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch Covid-19 tại tỉnh Hải Dương có yếu tố nguy cơ tiềm ẩn cao hơn Đà Nẵng do chủng vi rút lần này lây lan nhanh hơn, hệ số lây nhiễm rất cao, thời gian ủ bệnh ngắn. Tốc độ nhân lên của vi rút lần này gấp 4 lần chủng vi rút cũ. Do vậy, diễn biến dịch còn phức tạp.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, bản chất của vi rút là thường xuyên xảy ra đột biến. Các nghiên cứu chỉ ra biến chủng vi rút lây nhanh hơn chủng cũ nhưng về lâm sàng, chưa ghi nhận tình trạng bệnh nặng hơn. Tỷ lệ tử vong cũng không có sự khác biệt.

Biến thể A.23.1 gây dịch tại thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 12-2-2021, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo nhanh về kết quả giải mã bộ gene của chủng SARS-CoV-2 từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Khu vực cách ly chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh.

Báo cáo cho biết, phòng xét nghiệm sinh học phân tử đã thu nhận được 3 bộ gene SARS-CoV-2 hoàn chỉnh từ mẫu bệnh phẩm phết mũi họng của ca bệnh 1.979 và của 2 trong số 4 ca bệnh thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất được Bộ Y tế công bố vào sáng 8-2-2021.

Ba bộ gene thu nhận được từ các bệnh nhân trên có sự tương đồng về gene là trên 99,95%. Như vậy chùm ca bệnh gồm ca bệnh 1.979 và các bệnh nhân của tổ bốc xếp của Công ty VIAGS ở sân bay Tân Sơn Nhất nhiều khả năng là xuất phát từ một nguồn lây.

Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy, cả 3 bộ gene SARS-CoV-2 thu nhận được đều thuộc chủng A.23.1. Chủng này được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ ba của tháng 10-2020.

Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số ít nước khác trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Australia cũng như một số nước khác ở châu Âu, trong đó có Anh và Đan Mạch. Tuy nhiên, chưa cho thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này.

Về biến thể của vi rút gây dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dựa theo diễn biến thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh, chưa có chứng cứ cho thấy chủng này có khả năng lây lan nhanh.

Tăng công suất xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 2 tại tỉnh Hải Dương.

Chủng biến thể gây dịch tại Đà Nẵng

Ngày 25-7-2020, Việt Nam đã ghi nhận thêm các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả phân tích nguồn gene của vi rút từ các bệnh nhân ở Đà Nẵng cho thấy, đây là chủng vi rút mới xuất hiện ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định, vi rút được phát hiện tại Đà Nẵng tương tự chủng vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lây lan ở các quốc gia khác vào tháng 7-2020, là chủng D614G.

Chủng này đã xuất hiện ở châu Âu từ đầu năm 2020, sau đó trở thành chủng vi rút phổ biến nhất thế giới. Các phân tích chỉ ra rằng, chủng D614G tồn tại ở hơn 70% ca nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận trên toàn thế giới, chiếm tỷ lệ gần 100% tại châu Âu.

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã phân tích, giải mã trình tự gene cho thấy, chủng D614G tăng khả năng bám dính vào cơ thể cũng như khả năng lây nhiễm, làm lây lan nhanh hơn nhưng chưa ghi nhận biến đổi liên quan đến độc lực.

Biến thể Nam Phi ghi nhận từ chuyên gia nhập cảnh

Biến thể mới tại Nam Phi có tên B.1.351, lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10-2020 và được công bố vào tháng 12-2020. Đến nay, biến chủng này đã ghi nhận tại 30 quốc gia trên thế giới. Vào ngày 28-1-2021, Mỹ lần đầu tiên ghi nhận biến thể này ở 2 người không có lịch sử du lịch Nam Phi.

Theo kết quả giải trình tự gene, bệnh nhân Việt Nam đầu tiên nhiễm biến thể SARS-CoV-2 tại Nam Phi là một chuyên gia nhập cảnh Việt Nam được cách ly tại Hà Nội. Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ngày 30-1-2021, các nhà khoa học của Viện đã lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19 và giải trình tự gene vi rút SARS-CoV-2 trên các bệnh nhân tại khu vực phía Bắc, trong đó hầu hết là các ca nhập cảnh. Kết quả hiện đã xác định, một bệnh nhân nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi.

Biến thể này có một số điểm tương đồng với biến thể lần đầu tiên được xác định ở Anh và dường như cũng dễ lây lan hơn, nhưng không có bằng chứng cho thấy gây chết người nhiều hơn.

 Bàn nhận mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 2 tại tỉnh Hải Dương.

Cách phòng bệnh với các chủng vi rút mới

Theo đánh giá của Bộ Y tế về tình hình dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại của nước ta, trước mắt có thể tạm yên tâm về tình hình dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương vẫn diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, trong 4 chủng biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 tại nước ta, chủng "siêu lây nhiễm" B117 là đáng lo ngại nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, với các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày, nhưng lần này là chỉ 1-2 ngày. Hơn nữa, thời gian khởi phát của bệnh rất nhanh. Những đợt dịch trước đây, thời gian ủ bệnh từ 5 đến 7 ngày nhưng đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ hai đã xuất hiện vi rút vùng hầu họng, từ đó khả năng nhân lên của vi rút và đào thải mầm bệnh lần này rất cao...

Một điểm đặc biệt về đợt dịch lần này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích, đó là trước đây, vi rút SARS-CoV-2 lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, vi rút lây theo đường không khí. "Thực tế, chỉ trên một xe, 10/11 người lây nhiễm, hệ số lây nhiễm rất cao, trước đây chuyên gia tính toán là 4-5 (nghĩa là 1 người có thể lây cho 4-5 người) nhưng giờ là hơn 10 người", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Về số ca bệnh và biến chủng SARS-CoV-2 đang hoành hành tại tỉnh Hải Dương, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: "Chúng ta không được chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang. Việt Nam có kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn tốt các ổ dịch trước đây. Biện pháp phòng dịch quan trọng nhất hiện nay, đó là người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế".

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng 4 chủng biến thể của vi rút SARS-CoV-2 tại Việt Nam như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.