Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mất an toàn tại công trình xây dựng nhỏ lẻ

Kim Vũ| 15/04/2021 06:12

(HNM) - Năm 2020, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 388 vụ tai nạn lao động, trong đó nhiều vụ xảy ra tại các công trình xây dựng nhỏ lẻ. Điều đáng nói, hầu hết nạn nhân các vụ tai nạn là lao động phổ thông, không được ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên quyền lợi không được bảo đảm. Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số công trình xây dựng nhỏ lẻ, nhiều công nhân không sử dụng bảo hộ lao động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.

Công trình xây dựng tại đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) không thực hiện che chắn theo quy định. Ảnh: Vũ Dung

Vi phạm diễn ra phổ biến

Sáng 30-3 vừa qua, tại công trình xây dựng ở số 170 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), một phần sàn cốt pha bị đổ, khiến một công nhân bị mắc kẹt. Được biết, công trình này chưa được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư thi công "chui" trong đêm, không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động. Trước đó, ngày 30-7-2020, tại công trình xây dựng ở số 16 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) cũng xảy ra sự cố sập giàn giáo khiến 4 người tử vong, nguyên nhân cũng do chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn lao động.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số công trình xây dựng nhỏ lẻ tại Hà Nội vào chiều 12-4, những vi phạm dạng này vẫn diễn ra phổ biến. Cụ thể, tại công trình xây dựng nhà ở số 318 đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), có 5 công nhân đang xây dựng ở tầng 2 nhưng không ai đội mũ, mặc quần áo bảo hộ lao động. Tương tự, tại một công trình ở tổ dân phố số 12, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), cả 5 công nhân đang bắc giàn giáo để thi công đều không sử dụng bảo hộ lao động...

Vi phạm diễn ra phổ biến ở nhiều quận, huyện, thị xã, nhưng khi được hỏi về quyền lợi khi xảy ra tai nạn lao động, ốm đau..., đa số công nhân đều cho biết họ không được ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Anh Nguyễn Thế Duy, quê ở Nam Định, đang thi công tại một công trình ở quận Hoàng Mai cho biết, mọi giao dịch giữa công nhân và chủ thầu xây dựng đều là thỏa thuận miệng, không có hợp đồng ràng buộc, nên khi bị ốm hay gặp tai nạn lao động công nhân không được hưởng quyền lợi gì.

Đề cập đến vấn đề này, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng thừa nhận, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết; đồng thời đa phần công nhân tại các công trình xây dựng còn thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động nên bị nhiều chủ thầu lợi dụng, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Công nhân không sử dụng bảo hộ lao động khi thi công tại công trình xây dựng trên địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Vũ Dung

Đẩy mạnh kiểm tra, gắn với trách nhiệm chính quyền địa phương

Theo ông Tạ Văn Dưỡng, người lao động cần nắm rõ quy định pháp luật lao động để có cách xử lý đúng đắn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình trong trường hợp xảy ra tai nạn. Đặc biệt, cần cương quyết yêu cầu chủ thầu trang bị cho mình quần áo, mũ và các hình thức bảo hộ lao động khác. “Thời gian tới, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, đặc biệt tại các công trường xây dựng nhỏ lẻ trong khu dân cư”, ông Tạ Văn Dưỡng cho biết.

Liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm của các chủ thầu xây dựng, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai Bùi Thanh Nhã thông tin, đội thường xuyên phối hợp với UBND các phường trên địa bàn quận yêu cầu các chủ thầu thực hiện nghiêm việc che chắn và sử dụng các thiết bị an toàn, bảo hộ lao động trong xây dựng. Tăng cường kiểm tra, giám sát để xử phạt kịp thời những chủ đầu tư, chủ thầu không trang bị, không nhắc nhở, đôn đốc công nhân sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động.

Để hạn chế tối đa những vụ tai nạn lao động xảy ra tại công trình xây dựng nhỏ lẻ, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục xử phạt các chủ công trình xây dựng vi phạm pháp luật lao động, Sở sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu các ngành, địa phương quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở đối với việc bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng nhỏ lẻ.

Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 nêu rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mất an toàn tại công trình xây dựng nhỏ lẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.